Xem lại phần 3 của danh sách anime đáng chú ý tại đây.
5. Paprika (Đạo diễn: Kon Satoshi, 2006)
Mỗi khi chìm vào giấc ngủ, mọi cảm xúc và ký ức của con người sẽ giải phóng vào giấc mơ, ở đó, chúng ta được giải thoát khỏi mọi giới hạn không gian, thời gian và lí lẽ. Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yasutaka Tsutsui, Paprika qua bàn tay tài ba của “thầy phù thủy” Kon Satoshi đã trở thành một chuyến phiêu lưu không tưởng xuyên qua các tầng ảo giác sinh động, đầy màu sắc.
Thành công của Paprika không chỉ được đo bằng nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan phim, không phải với doanh thu khổng lồ hay lời tán thưởng từ giới chuyên môn và khán giả, mà còn là sự thành công trong việc mô tả lại những giấc mơ hoang đường nhất của con người. Paprika cũng là nguồn cảm hứng bất tận về đề tài giấc mơ cho những nhà làm phim sau này, mà điển hình là đạo diễn Christopher Nolan với bộ phim Inception.
Giấc mơ đầy màu sắc thể hiện sự bão hòa, hỗn tạp của các nền văn hóa
Thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Paprika là tác phẩm hoàn thiện cuối cùng của Satoshi Kon trước khi ông qua đời vào tháng 10/2010. Câu chuyện bắt đầu từ lúc nhà khoa học thiên tài Tokita thông báo với Tiến sĩ Chiba rằng 3 chiếc máy DC Mini đã bị đánh cắp.
DC Mini là một thiết bị giúp các bác sĩ xâm nhập vào giấc mơ của người khác để chữa các chứng bệnh tâm thần. Một cuộc họp bàn khẩn cấp đã được lập ra với sự có mặt của Tokita, tiến sĩ Chiba và Shima cùng vị chủ tịch bị liệt chân Inui để nói về sự nguy hiểm của thiết bị DC Mini. Sau đó, tiến sĩ Chiba, Tokita và Shima đã phải cùng nhau hợp sức để tìm lại thiết bị này, trước khi có kẻ xấu sử dụng nó vào mục đích phi pháp.
Trái ngược với phong cách phim thông thường của Satoshi Kon, Paprika không tập trung sâu vào sự phát triển tính cách của nhân vật chính. Mỗi nhân vật trong Paprika là vai chính trong những giấc mơ của họ. Việc tìm kiếm DC Mini chỉ là tiền đề mở ra con đường bước vào thế giới của từng người để thấy rằng: bất kỳ ai trong chúng ta đều có những gút mắc về mặt tinh thần.
“Paprika” là một “cái tôi” sinh động của tiến sĩ Atsuko
Cô gái Paprika đã nói với cảnh sát Konakawa: “Càng ở lâu trong thế giới giấc mơ, con người càng dễ quên nơi họ đang sống là hiện thực hay là cõi mơ”. Đạo diễn Kon Satoshi đã “ném” khán giả vào một đống hỗn độn để họ thỏa sức phiêu lưu giữa mơ và thực. Những tràng cảnh liên tục thay đổi trước khi người xem kịp thích ứng, tựa như những giấc mơ cũng đang sinh sôi liên tục như tế bào. Vẫn với thủ thuật cắt ráp dồn dập nhưng vẫn mượt mà logic, Paprika khiến cho người xem gần như mất đi sự minh mẫn vốn có, buộc họ phải dùng trực giác để phán đoán, từ đó hòa làm một với cảm xúc của nhân vật.
Xuyên suốt bộ phim, chúng ta có thể bắt gặp phong cách trào phúng kín đáo của Kon Satoshi, thể hiện qua những tràng cảnh đầy tính ẩn dụ. Tiêu biểu nhất phải kể đến đoàn diễu hành sôi động và điên cuồng trong thế giới giấc mơ. Không đơn thuần chỉ là ảo giác của một bệnh nhân tâm thần nặng như đã giải thích lúc đầu, nó còn tượng trưng cho sự pha trộn hỗn tạp giữa các nền văn hóa. Bộ phim phản ánh căn bệnh tinh thần của xã hội Nhật Bản: việc thường xuyên đối mặt với các loại áp lực đã dẫn đến sự phân liệt, sụp đổ về mặt tinh thần; những dục vọng không thể giải phóng trở thành sự biến thái tâm lý.
Paprika không đơn thuần là một bữa tiệc thị giác thịnh soạn, Kon Satoshi đã khéo léo kết hợp thủ pháp siêu thực và trường phái trừu tượng của hội họa để vẽ lại những tầng ảo giác sâu kín trong tiềm thức của con người. Đến với bộ phim này, khán giả sẽ có cơ hội vứt bỏ sự thức tỉnh, hòa mình vào một vũ trụ hoang đường pha trộn bởi vô số gam màu táo bạo, phong phú hơn cả giấc mơ điên rồ nhất của bạn.
Trailer “Paprika”
4. Tekkonkinkreet (Đạo diễn: Michael Arias, 2006)
Là một họa sĩ, nhà sản xuất phim người Mỹ sống và làm việc tại Nhật Bản, ngay từ đầu Michael Arias đã muốn phát triển anime theo phong cách mới mẻ bằng cách tách biệt với hình mẫu nhân vật mắt to lấp lánh thường thấy. Dựa trên series manga ngắn cùng tên, Tekkonkinkreet (nói láy của từ Tekkin Konkurito, nghĩa là Bê tông cốt thép) – tác phẩm đầu tay do Michael đạo diễn – đã xuất sắc giành được nhiều giải thưởng về mặt nội dung lẫn nghệ thuật.
Tiêu biểu nhất phải kể đến giải phim hoạt hình xuất sắc do tạp chí Diễn đàn nghệ thuật thuộc Viện bảo tàng mỹ thuật hiện đại New York bình chọn và chiến thắng hạng mục Phim hoạt hình của năm do Viện hàn lâm Nhật Bản trao tặng. Tekkonkinkreet mở ra một phong cách anime hoàn toàn mới mẻ: vừa trung thành với những tạo hình nhân vật 2D nguệch ngoạc giản dị, vừa khiến người xem choáng ngợp bởi sự tinh tế đến từng chi tiết trong phông nền, đôi lúc còn xen lẫn trường phái hội họa trừu tượng.
Kuro xem việc che chở cho Shiro là một sứ mệnh
“Kuro, cứ mỗi khi trời chuyển tối em lại thấy buồn… Có lẽ là vì màu đen dễ làm cho ta nghĩ đến cái chết.” – Kuro và Shiro, “đen” và “trắng”, là hai đứa trẻ đường phố nổi danh ở thị trấn Châu Báu. Chúng là hai con mèo hoang nghịch phá, biết khinh công, kiếm sống bằng đủ thứ nghề kể cả móc túi. Chúng không có nhà cửa hay gia đình, buổi sáng lang thang khắp nơi, lúc đêm xuống lại trở về ngủ trong chiếc xe cũ ở bãi phế liệu. Ở giữa xã hội tàn nhẫn, Shiro giống như một hài nhi thuần khiết chỉ biết đếm đến 10 và luôn đội những chiếc mũ kì lạ. Ngược lại, Kuro lạnh lùng, tin rằng bạo lực mới có thể giải quyết được tất cả.
Hai đứa trẻ như hai ngọn cỏ lay lắt nương nhau để tồn tại dưới đáy xã hội dù có bị lãng quên. Cuộc sống của chúng xáo trộn khi những kẻ ngoại lai xuất hiện tuyên bố muốn thay da đổi thịt cho thị trấn này. Kuro và Shiro bước vào cuộc chiến với thế lực hắc ám mới để bảo vệ thị trấn của chúng, nhưng thật ra lại là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối trong con người.
Tekkonkinkreet nhiều lần gây choáng ngợp cho người xem bởi khung cảnh thành phố đồ sộ mà tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Nhìn vào bức tranh ấy, ta có thể nhận ra hình ảnh ngõ ngách Thượng Hải chằng chịt, những cửa hàng san sát nhau ở Hồng Kông, các biểu tượng, hoa văn đến từ Thái Lan và tất nhiên cả những đặc trưng bản địa Nhật Bản.
Thị trấn Châu Báu trong phim mang đậm bản sắc phương Đông, nay đã bước vào giai đoạn bị những kẻ ngoại lai mang bê tông cốt thép đến trên danh nghĩa khai sáng. Đến cuối cùng, sự vùng vẫy của Kuro hay băng mafia Chuột nhằm kháng cự thủ đoạn của đám người ngoại lai cũng chỉ là vô vọng, vô vọng như Nhật Bản năm xưa từng khước từ mở cửa nhưng cuối cùng vẫn phải chọn con đường Duy Tân và thỏa hiệp để tiếp tục tồn tại.
Tekkonkinkreet là câu chuyện về những vết thương
Tạo hình nhân vật và một số khung hình được dựng nên theo nét vẽ và tư duy của trẻ con, nhưng Tekkonkinkreet hoàn toàn không dành cho đối tượng khán giả trẻ tuổi. Không chỉ là tính bạo lực hay sự thật trần trụi của cuộc sống dưới đáy xã hội, xuyên suốt Tekkonkinkreet, qua từng khung tranh, câu thoại, người xem đều có thể nhặt nhạnh được những ưu thương mà các nhân vật vẫn cố giấu đi để tồn tại giữa thị trấn lạnh lùng này.
Kuro và Shiro chỉ là hai đứa trẻ bị vứt bỏ. Chúng chẳng khác gì những món đồ chơi buồn bã hoang phế nơi bãi rác. Không thể dùng đầu óc để lý giải thế giới của Kuro và Shiro, mà nhìn từ góc độ của tổn thương và khiếm khuyết. Hai đứa trẻ tượng trưng cho hắc ám bạo lực và tự do thuần khiết, sự tồn tại của chúng lấp đầy khoảng trống của đối phương. Khi Kuro bị bóng tối khống chế, tâm linh của cậu đã tương thông với Shiro. Trong những tầng tâm linh vẽ nên từ những nét sáp màu dữ dội đó, Kuro là quạ đen, còn Shiro đã hóa thành bồ câu trắng. Con quạ đuổi theo bồ câu cho đến lúc bị cuốn vào thế giới đầy ánh sáng của loài chim hiền hòa ấy, giống như sự tồn tại của Shiro thanh tẩy tâm hồn Kuro từ lúc nào.
Bộ phim kết thúc với những mâu thuẫn của xã hội vốn không thể hóa giải nổi, thế nhưng ai còn quan tâm thị trấn Châu Báu ấy sau này sẽ thế nào. Guồng quay của thời đại đã lăn bánh, số phận của những thành phố và các giai tầng bên trong nó chẳng thể biết trước. Thế nhưng cậu bé Kuro đã tìm ra những ốc vít còn thiết sót trong trái tim mình, không phải trong trị trấn Châu Báu lạnh lùng, mà là ở một nơi có biển xanh nắng vàng, bên cạnh người mà cậu suốt đời tin tưởng.
Trailer “Tekkonkinkreet”
3. Ghost in the Shell: Innocence – Linh Hồn Trong Lớp Vỏ: Vô Tội (Đạo diễn: Oshii Mamoru, 2004)
Oshii Mamoru có lẽ là đạo diễn đa tài nhất trong giới làm phim hoạt hình Nhật Bản vì không chỉ đạo diễn phim hoạt hình, ông còn đạo diễn các thể loại phim khác, sáng tác truyện tranh, viết kịch bản phim và tiểu thuyết.
Nổi tiếng là một đạo diễn có phong cách nghệ thuật độc đáo, Oshii quan niệm làm phim là phải tạo ra những thế giới khác biệt với thế giới ngoài đời. Ông còn cho rằng đối với phim hoạt hình, yếu tố quan trọng nhất là hình ảnh, sau đó mới đến nội dung và cuối cùng là nhân vật. Oshii gây tiếng vang với hai tác phẩm hoạt hình ít nhiều mang tính chính trị là Patlabor phần 1 và phần 2, cùng loạt phim Ghost in the Shell phần 1 và 2 được chuyển thể từ một bộ truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng cùng tên. Năm 2004, Ghost in the Shell 2: Innocence (Vô Tội) – được đề cử giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes.
Oshii Mamoru khao khát sự dung hợp hoàn hảo giữa 2D và 3D
Tiếp nối sự thành công của phần trước, Oshii Mamoru lại tiếp tục dắt tay khán giả bước vào kỷ nguyên mới hiện đại và đen tối của tương lai – khi mà một cơ thể hoàn chỉnh được tạo ra bằng công nghệ Cybord hóa – da thịt cấy ghép với máy móc, giúp tăng cường sức mạnh một cách hoàn hảo.
Trong câu chuyện lần này, Batou – một trong những nhân viên giỏi nhất của Tiểu đội 9 (lực lượng đặc biệt giải quyết những vấn đề giữa con người và máy móc), bắt đầu điều tra một chuỗi các vụ giết người hàng loạt mà thủ phạm là các gynoids – robot được thiết kế có hình dáng giống phụ nữ. Cùng với cộng sự Togusa (một trong những người chưa trở thành cyborg), Batou dần hé mở bức màn bí mật, tìm ra sự thật ẩn giấu sau tiếng kêu cứu tuyệt vọng của các gynoids sau khi giết người rồi tự sát.
Trong kỷ nguyên nhân loại mất dần tính người, ai mới là kẻ vô tội?
Từng bị cho rằng không thể siêu việt sự xuất sắc của phiên bản movie năm 1995 và phiên bản truyền hình năm 2001, có lẽ khi bắt tay vào sản xuất Innocence, Oshii Mamoru đã không còn đặt nặng yếu tố khán giả mà tập trung cường điệu hóa tư tưởng của bản thân.
Liên tục sử dụng những trích dẫn nổi tiếng làm lời thoại, phim thấm đẫm màu sắc triết học và khắc sâu thế giới nội tâm bất tận của con người. Họ là những kẻ có đầu óc còn tỉnh thức hoặc đang dần ngu muội đi trong cơ thể bị máy móc thiết bị thay thế. Nếu như Ghost in the Shell trong quá khứ chủ yếu dùng hình ảnh để biểu đạt, vì vậy khá dễ hiểu, thì ở phiên bản 2004 này, phần lớn triết lý lại ẩn sâu trong lời thoại. Phương thức diễn dịch này khiến người xem buộc phải dừng hình để ngẫm nghĩ hay xem lại nhiều lần mới thẩm thấu được điều nhân vật muốn truyền tải. Chính bởi lẽ đó, bộ phim không những không bị sự phức tạp làm mất đi giá trị, mà còn nâng cao tính thâm thúy, thôi thúc người xem nghiền ngẫm từng chi tiết của nó.
Thuộc thể loại viễn tưởng, hành động, kinh dị, Innocence nhuốm màu sắc âm u và lạnh lùng, cái lạnh của một kỷ nguyên cơ khí hóa. Trong thế giới tối tăm đó, con người và robot đều là nạn nhân cho những kẻ mất nhân tính, chà đạp mọi loại sinh mệnh để đạt mục đích cá nhân mình. Thế nhưng khi chậm rãi thưởng thức, khán giả sẽ dần cảm nhận được chút tình người còn sót lại, le lói mà ấm áp giữa xã hội nhiễu nhương và biến chất này.
Trailer “Ghost in the Shell: Innocence”
2. The Tale of Princess Kaguya – Nàng Công Chúa Kaguya (Đạo diễn: Takahata Isao, 2013)
Ngày xửa ngày xưa, ở ngôi làng nọ có hai vợ chồng ông lão đốn tre nghèo khổ và hiếm muộn con cái. Một ngày nọ, ông đi vào rừng tre và bắt gặp một cây tre phát sáng mà bên trong là một đứa trẻ bé bằng ngón tay cái. Mừng rỡ, ông quyết định đem cô bé về và nuôi nấng cùng với vợ. Cô bé lớn nhanh như thổi và luôn hiếu kỳ với tất cả mọi thứ xung quanh, còn những đứa trẻ trong làng thì gọi cô là “Tre Nhỏ”. Cũng chính lúc này, công chúa măng tre bé nhỏ đã nảy sinh tình cảm với Sutemaru – người bạn lớn tuổi nhất trong đám trẻ vẫn thuờng chơi với cô.
Kaguya khi vừa được mang về nhà
Không lâu sau, điều kỳ diệu tiếp tục xảy ra khi ông lão phát hiện thêm hai cây tre phát sáng có chứa rất nhiều vàng và vải vóc đắt tiền. Nghĩ rằng đây là ơn trên muốn công chúa nhỏ của gia đình ông trở thành một nàng công chúa thực thụ, hưởng thụ cuộc sống xa hoa và được mọi người biết tới chứ không phải sống ở nơi hoang vu hẻo lánh như thế này, ông lão quyết định dẫn gia đình đến sống tại cung điện lớn mà ông đã mua bằng số vàng trên.
Từ đó Kaguya không còn được nô đùa giữa thiên nhiên và bè bạn như xưa, nàng bị bắt học về tất cả mọi thứ, bị ép vào trong khuôn khổ để trở thành một người con gái đoan trang, thùy mị, biết lễ nghĩa, xứng đáng với danh xưng công chúa của mình. Tuy nhiên, Kaguya không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nữa. Nàng luôn nhớ tới chốn chân quê nơi mình đã lớn lên.
Trong khi đó ông lão vẫn đinh ninh rằng con gái của mình sẽ sung sướng khi sống trong một cung điện lộng lẫy với kẻ hầu người hạ. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi những kẻ có chức quyền, của cải và thậm chí là hoàng đế đến hỏi cưới Kaguya vì ngưỡng mộ tài sắc của nàng. Kaguya bị dằn vặt giữa việc muốn làm vui lòng cha hay trở về với con người thật của mình và đi theo tiếng gọi của con tim. Những bí ẩn về thân phận của nàng công chúa sau đó được hé lộ, liệu Kaguya sẽ làm gì để thay đổi số phận được định trước của mình.
Kaguya khát khao được phá cũi sổ lồng, tìm thấy tự do
Như Mononoke, như Chihiro, và như nhiều nhân vật nữ khác của Ghibli, Kaguya cũng là một cô gái đến tuổi trưởng thành, đang trên hành trình đi tìm bản ngã. Những xung đột giữa cá tính tự nhiên và chuẩn mực xã hội, giữa tham vọng khuôn phép của người cha và khát khao phá cũi sổ lồng của con gái, cũng là câu chuyện chung của mọi thiếu nữ sắp bước vào đời.
Trên nền chuyện xưa tích cũ thổi vào một luồng gió mới, một thứ tư tưởng hiện đại giữa bối cảnh phong kiến cổ xưa. Người phụ nữ với số phận cá chậu chim lồng không khác gì một bông hoa chỉ biết chiều lòng người khác, họ không được bày tỏ cảm xúc, khát vọng và tiếng nói riêng của mình vì thế giới là một buồng giam bởi những điều lệ, phong tục, tín ngưỡng và quyền lực của đàn ông. Phim thuộc thể loại cổ tích, thần thoại nhưng cũng giàu tính hiện thực đáng để nhiều người suy ngẫm.
Không quá buồn thảm như Mộ Đom Đóm, nhưng cái kết của Nàng Công Chúa Kaguya sẽ để lại trong lòng người xem chút dư vị cay đắng và nuối tiếc. Đến với phim của Studio Ghibli, cũng là đến với thế giới của những nỗi buồn thật đẹp. Thế nhưng chính những thiếu khuyết, mất mát ấy mới khiến cho chúng ta nghẹn ngào, và biết trân trọng những gì mình đang có.
Nhiều người nhận định rằng, Nàng Công Chúa Kaguya không đơn thuần là một bộ phim hoạt hình, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Bộ phim với phần nội dung, hình ảnh, âm nhạc tuyệt đẹp, bay bổng và giàu chất thơ, là sự giao hòa tuyệt mỹ giữa cái cũ và cái mới.
Vẫn những khung hình được vẽ tay chi tiết, cẩn thận nay lại càng đậm đà phong cách tranh cổ Nhật Bản; vẫn câu chuyện cổ tích cũ đó nhưng giờ lại mang đậm triết lý nhân sinh quan về tình yêu, đam mê, sự sống và cái chết… Một lần nữa Tsudio Ghibli đã tạo nên một tác phẩm chạm đến trái tim khán giả. Nàng Công Chúa Kaguya đã nhận được đề cử Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải Oscar lần thứ 87.
Trailer “Nàng Công Chúa Kaguya”
1. Spirited Away – Vùng Đất Linh Hồn (Đạo diễn: Miyazaki Hayao, 2001)
“Một khi cháu đã từng gặp ai đó, cháu sẽ không bao giờ thực sự quên họ. Chỉ là cần chút thời gian để ký ức của cháu trở về thôi.” – Miyazaki Hayao đã diễn giải chân lý giản dị này bằng câu chuyện về chuyến phiêu lưu kỳ diệu và phi thường.
Được phát hành tại Nhật vào ngày 20 tháng 7 năm 2001, Spirited Away đã trở thành bộ phim thành công nhất trong lịch sử Nhật Bản, với doanh thu lên tới 274 triệu đôla Mỹ trên toàn thế giới và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Phim đã vượt qua cả Titanic (lúc này đang là quán quân phim có doanh thu cao nhất thế giới) tại các phòng vé Nhật để giành vị trí phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Spirited Away đã giành được giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 75 và giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin (cùng với phim Bloody Sunday) năm 2002 và nằm trong top 10 của Danh sách 50 phim bạn nên xem khi ở tuổi 14 của BFI. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy tên của bộ phim này tỏa sáng ở vị trí đầu trong vô số những bảng xếp hạng phim hoạt hình Nhật bản.
Vùng Đất Linh Hồn là một thế giới kỳ ảo, thú vị
Cô bé 10 tuổi Chihiro trong một lần chuyển nhà đã cùng bố mẹ lạc vào một công viên bỏ hoang. Do đã lỡ ăn thức ăn ở đó nên bố mẹ cô đều bị vướng phải lời nguyền hóa thành lợn và mắc kẹt lại vùng đất của những linh hồn, cư dân là các vị thần và yêu quái, dưới quyền cai trị của mụ phù thủy già tham lam độc ác Yubaba. Để giải cứu bố mẹ, Chihiro buộc phải từ bỏ tên gọi của mình và chấp nhận làm việc cho Yubaba dưới cái tên “Sen”. May thay, tại đây cô bé đã gặp nhiều bạn bè và đồng minh tốt bụng, trong đó có chàng pháp sư bí ẩn Haku. Ban đầu rất hay hờn dỗi và thụ động, dần dần với nhiều nỗ lực, Chihiro đã tìm thấy sức mạnh của mình để tồn tại trong xứ sở kỳ lạ này.
Những lúc khó khăn nhất, Chihiro luôn nhận được sự giúp đỡ của Haku
Thành công lớn của bộ phim là việc nó đã khiến khán giả đồng hóa với nhân vật Chihiro, hòa mình vào cuộc phiêu lưu của cô bé. Sở dĩ người xem bị cuốn hút vì họ hoàn toàn không thể đoán biết được việc gì sẽ xảy ra tiếp theo, tình huống và tràng cảnh liên tục đổi mới. Mỗi lớp cửa mới được mở ra, Chihiro giống như lại bị đẩy vào một thế giới khác, cảm giác hồi hộp chẳng bao giờ kết thúc.
Trí tưởng tượng của đạo diễn Miyazaki quả thực tuyệt vời. Ông đã tạo ra một thế giới với nhiều nhân vật, nhiều sự kiện và nhiều chuyện li kì không tưởng: những chú bồ hóng làm việc, ông khách củ cải, những linh hồn đến tắm rửa, những chú ếch Tiểu Nhị, những chị Sên làm phục vụ cho khách… hay cả một dây chuyền “sản xuất” nước tắm cho nhà tắm chẳng hạn. Spirited Away gây cho người xem hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Xuyên suốt bộ phim là quá trình nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh của cô bé Chihiro, đồng thời cũng là sự cố gắng từ phía khán giả để tiệm cận với trí tưởng tượng bậc thầy của Miyazaki Hayao.
Tuy nhiên, thế giới của Spirited Away không đơn thuần là một vùng đất hoàn toàn hư ảo. Suy xét kỹ, ta sẽ thấy thấp thoáng hình bóng xã hội con người hiện đại ẩn sau những nhân vật khác thường nơi đây: mối quan hệ chủ tớ trong xã hội tư bản; bà mẹ tham công tiếc việc nhưng luôn thiếu thời gian để yêu thương săn sóc con cái; sự tham lam khiến con người mất đi bản ngã…
Đặc biệt nhất phải kể đến hình tượng nhân vật Vô diện. Vô diện – không có khuôn mặt – không tìm được chính mình, cũng không tìm được hỉ nộ ái ố của bản thân, hắn tạo ra vàng bởi vì vàng dễ dàng thao túng kẻ khác. Những kẻ không có cái tôi chỉ khi nghe những lời xun xoe nịnh nọt mới cảm thấy vui sướng. Nhưng Vô diện càng nhìn thấy sự thấp hèn của lũ ếch thì lại tỏ ra chán ghét, cuối cùng điên cuồng nuốt chúng vào bụng. Vô diện giống như một chiếc kính vạn hoa, phản chiếu nhiều góc cạnh của xã hội, trào phúng sự tham lam đến mất đi bản chất, đến cuối cùng cũng bội thực mà tuôn ra tất cả.
Thế nhưng như bao câu chuyện đồng thoại khác, nổi bật lên giữa những hỗn loạn nhiễu nhương, luôn có những con người nhỏ bé với tâm hồn thật đẹp. Đó là chị Lin thẳng thắn nhiệt tình, là ông lão sáu tay cần mẫn tốt tính hoặc ngay cả cậu bé Boh khổng lồ bướng bỉnh nhưng ngây thơ… Và rung động lòng người hơn cả chính là tình cảm thuần khiết và ấm áp mà Haku dành cho Chihiro. Tấm lòng của Haku đã chạm đến trái tim Chihiro, vén lên tấm màn che phủ ký ức cô bé.
“Haku, em vừa nhớ ra một điều có thể giúp được anh. Hồi còn nhỏ có lần em đã đánh rơi chiếc giày xuống một dòng sông và ngã xuống nước khi cố với lấy nó. Em nghĩ mình đã chìm rồi thế nhưng dòng nước đã đưa em vào bờ, con sông ấy tên là Kohaku. Em nghĩ đó chính là anh! Tên thật của anh là Kohaku!”.
Người ta vẫn nói cuộc sống giống như một ván cược lớn, đôi khi chúng ta phải vứt bỏ đi mới có thể tìm về. Và cũng thật kỳ diệu khi người ta tạo nên cả thế giới đồ sộ đến hoang đường chỉ để tìm về một tình yêu thuần khiết và nhỏ bé. Nhưng chính những rung động nhẹ nhàng mà chân thật ấy mới có thể len lỏi qua những biến cố, chia xa, mang trái tim của con người đến gần lại.
Spirited Away là một trong những giấc mơ đẹp nhất mà Miyazaki nói riêng và Studio Ghibli nói chung mang đến cho nhiều thế hệ. Câu chuyện này chẳng có anh hùng vĩ đại hay quyền năng to lớn gì, thế nhưng nó lại làm cho tâm hồn của người xem hiền thành, giản dị hơn. Spirited Away rất đáng để xem vì chính nó – một bộ phim “hay nhất trong năm, và trong nhiều năm sau nữa”.
Trailer “Spirited Away”
Kết
Nghệ thuật vốn không tồn lại một thước đo chuẩn mực, và trong lòng mỗi người chúng ta luôn có bảng xếp hạng của riêng mình. Tất cả những đánh giá xét cho cùng đều mang tính tương đối, nhưng những tác phẩm trong list này chắc chắn đáng để bạn bớt chút thời gian để trải nghiệm. Nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản có thể phát triển như ngày hôm nay chính là nhờ nhiều năm miệt mài cống hiến của vô số người làm nghệ thuật. Thế kỷ 21 cũng chỉ mới bắt đầu, và chắc rằng, danh sách những tác phẩm xuất sắc làm rạng danh anime sẽ ngày càng dài hơn.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Máy đo nhiệt độ Microlife bị lỗi phải làm gì để khắc phục ?
- Sở hữu tài khoản Grammarly Premium của riêng bạn
- Hướng dẫn cách cài đặt bluetooth cho laptop win 7 win 10
- Nên mua iPad mini nào 2020: Mini 2, 3 hay Mini 4 dùng tốt nhất | websosanh.vn
- [ Bảng mã lỗi máy giặt National nội địa nhật ] ĐIỆN 100V CHÍNH XÁC